Điện toán đám mây: Không còn xa vời
Tạm biệt các trung tâm dữ liệu! Chúc mừng các ứng dụng điện toán đám mây! Bỏ qua những quảng cáo ồn ào về điện toán đám mây, các nhà quản lý CNTT đang tìm hiểu về thời điểm và cách thức ứng dụng công nghệ mới này.
Học giả Nicholas Carr sẽ nhận nhiều phản kháng từ các nhà công nghệ kỳ cựu khi ông đưa ra tiên đoán mới nhất: Điện toán đám mây (cloud computing – hay còn gọi là máy chủ ảo) sẽ đẩy các bộ phận chuyên trách CNTT đến tình trạng thất nghiệp. Trong cuốn sách mới viết gần đây với nhan đề "The big switch: Rewiring the world, from Edison to Google" (tạm dịch: Một sự thay đổi lớn: Kết nối lại thế giới, từ Edison đến Google), ông viết: "Các bộ phận chuyên trách CNTT sẽ còn rất ít việc để làm khi một khối lượng khổng lồ công việc tính toán được chuyển từ các trung tâm dữ liệu riêng đến máy chủ ảo".
Đây có phải là sự thổi phồng quá đáng? Đúng vậy. Tuy nhiên có cốt lõi của sự thật nằm dưới sự cường điệu. Điện toán đám mây (ĐTĐM), một khái niệm "mờ mịt" như tên gọi của nó, đang nổi lên như một công nghệ mới thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý CNTT (CIO) biết nhìn xa trông rộng. Việc không lường trước được những chi phí về năng lượng, nhân sự và phần cứng, không gian lưu trữ giới hạn của các trung tâm dữ liệu... và trên hết là mong muốn sự đơn giản đã thúc đẩy một số doanh nghiệp, chủ yếu là những đơn vị mới khởi nghiệp, chuyển cơ sở hạ tầng lưu trữ của mình sang các nhà cung cấp dịch vụ máy chủ ảo.
Theo vi.wikipedia.org |
CIO của công ty Special Olympics, người đang phải chuyển nhiều dữ liệu từ trung tâm dữ liệu công ty qua các dịch vụ máy chủ truyền thống, nói: "Khái niệm công nghệ máy chủ ảo rất có ý nghĩa, nó giúp CIO giảm bớt được những sự vụ phức tạp của tổ chức và tập trung cho những công việc có mức độ giá trị cao hơn". Ông hy vọng công ty sẽ chuyển sang máy chủ ảo trong vài năm tới. Tại sao là lúc này? Những công nghệ mới như băng thông rộng có gần như khắp nơi và ảo hóa máy chủ ngày càng phổ biến, cùng các bài học kinh nghiệm rút ra từ sự phát triển mạnh mẽ của phần mềm dịch vụ (software as a service – SaaS) đang khuyến khích các CIO tư duy vượt xa khỏi giới hạn trung tâm dữ liệu.
Điện toán đám mây chắc chắn còn rất mới mẻ. Những lo ngại về an ninh và lỗi tiềm tàng của các ứng dụng là hai vấn đề chính yếu đang được đặt ra trong giới CNTT, và đây là những vấn đề có thật. Ngoài ra, các nhà cung cấp công nghệ này chưa định ra được đầy đủ mô hình kinh doanh và giá cả, đây cũng là một trong những lý do khiến một số CIO, những người chưa nhìn thấy hiệu quả đầu tư của họ từ SaaS (phần mềm dịch vụ), xem xét điện toán đám mây với cái nhìn nghi hoặc. Tất nhiên là còn có yếu tố khác: đó là sự minh bạch. Giao trách nhiệm về các ứng dụng và dữ liệu quan trọng cho đối tác thứ ba có nghĩa là khách hàng phải biết chính xác các nhà cung cấp dịch vụ điện toán máy chủ ảo xử lý thế nào về các vấn đề an ninh và kiến trúc hệ thống. Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ minh bạch đến mức nào về những chi tiết trên vẫn còn là câu hỏi.
Tăng cường khả năng mở rộng
Không giống những phát kiến to tát khác, công nghệ ĐTĐM không chỉ là ý tưởng hình thành từ những bộ óc thông thái của Silicon Valey, mà theo như một nhà quản lý CNTT thì "đây là kết quả tất yếu của một chuỗi hiện tượng của giới công nghệ trong hơn 30 năm qua".
Thật vậy, sẽ dễ dàng hơn khi yêu cầu các nhà phân tích và những người làm CNTT nói về tính năng và mục tiêu của ĐTĐM hơn là tìm kiếm một định nghĩa chính xác. Cũng nên nhớ rằng các nhà cung cấp khác nhau tiếp cận ĐTĐM theo những cách không giống nhau. Theo cách nhìn của Salesforce.com thì ĐTĐM giống như SaaS) đối với IBM thì đây là sự hợp nhất các khối dữ liệu lớn của khách hàng được chuyển về.
Theo nhà phân tích của Research 2.0: "ĐTĐM căn bản là sự kết hợp của điện toán lưới (grid computing) và SaaS, chủ yếu là xử lý dữ liệu thô. Kết quả ĐTĐM thực chất là ảo hóa mạng". Giám đốc công nghệ (CTO) của nhóm Giải Pháp Công Nghệ Cao của IBM cho biết: "Chúng tôi đã thiết kế ĐTĐM dựa trên công nghệ ảo hóa. Bạn có một trung tâm dữ liệu với nhiều máy chủ và chúng đều trở thành các máy ảo". Ở mô hình quen thuộc hiện tại là multi-tenant SaaS, nhiều khách hàng có thể truy cập và chạy ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ. Với ĐTĐM, khách hàng cũng có thể chạy ứng dụng, nhưng là ứng dụng của chính họ, trên hạ tầng của nhà cung cấp.
Về phần mình, nhà cung cấp phải đảm bảo khả năng phân bổ tải (workload) một cách linh hoạt cho máy chủ khi khách hàng truy cập vào để chạy các ứng dụng. Bằng cách này, nhà cung cấp tối đa hóa khả năng tính toán của hệ thống và cho phép khách hàng yêu cầu nhiều hơn. Đây là điểm mấu chốt của ĐTĐM, cho dù Blue Cloud của IBM hay EC2 của Amazon, thì mục tiêu chính đều là khả năng mở rộng nhanh (scalability).
Theo giám đốc công nghệ của Powerset, công ty chuyên xây dựng cơ cấu tìm kiếm, thì thuật ngữ "mềm dẻo" có thể đúng hơn. Về tính mềm dẻo, ông muốn nhấn mạnh khả năng co giãn khi cần. Công ty của ông đang thiết lập bảng danh mục cho một khối lượng khổng lồ thông tin trên web, đòi hỏi việc tính toán với cường độ cao gần như liên tục. Trong quá trình thực hiện, cần dự tính đến cả những trường hợp tăng đột biến do người sử dụng, vượt quá năng lực tính toán bình thường của công ty.
Thay vì trang bị đủ các máy chủ và sẵn sàng hạ tầng để phục vụ nhu cầu lúc cao điểm, Powerset đã sử dụng dịch vụ lưu trữ của Amazon và trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của Amazon sử dụng giải pháp EC2 và S3. Powerset chi trả cho các nguồn tài nguyên theo cách dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, và điều này đã tiết kiệm cho công ty một khoản lớn tiền mặt. Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ mềm dẻo này sẽ cho phép bộ phận CNTT tập trung nguồn lực, thời gian vào nghiệp vụ cơ bản của mình, trên cơ sở nguồn tài nguyên tối thiểu để chạy các ứng dụng kinh doanh.
Tương tự, các nhóm hay các phòng ban trong công ty thường có nhu cầu triển khai hoặc xử lý những dự án nhưng lại không đủ nguồn lực hay ngân sách cho hạ tầng cần thiết. Giải pháp cho vấn đề này, IBM sử dụng các công nghệ ảo nội bộ để cung cấp nguồn tài nguyên cần thiết cho các ứng dụng hoặc dịch vụ mới. Hiện tại trong IBM có khoảng hơn 100 dự án thực hiện theo cách này. Tờ Thời Báo New York (New York Times) cũng đã sử dụng Web Services của Amazon (EC2 và S3) để tạo các file PDF cho 11 triệu bài báo từ kho lưu trữ bằng giấy trong khoảng thời gian chưa tới 24 giờ, sử dụng 100 máy chủ ảo của EC2 thay vì mua thiết bị phần cứng cho dự án.
Nỗi lo mất kiểm soát
An ninh, độ trễ (latency), dịch vụ kèm theo và tính sẵn sàng là những vấn đề mà các nhà quản lý CNTT quan tâm khi đề cập đến ĐTĐM. Các nhà cung cấp còn có quá nhiều việc phải làm trong những năm tới để làm hài lòng các CIO. Tuy vậy, có một điều không thật cụ thể nhưng lại quan trọng đối với ĐTĐM: cần hiểu bản chất vấn đề.
Ông phó chủ tịch về quản lý sản phẩm và phát triển của Amazon nhận định: "Một vài người vẫn coi việc này như thể là sự mất kiểm soát. Họ suy nghĩ như vậy bởi quan niệm rằng họ không còn giữ dữ liệu của họ nữa, nó đang ở một nơi mà họ không có ở đó”.
Lời khuyên nào dành cho những nhà quản lý CNTT đang cân nhắc công nghệ ĐTĐM? Một nhà phân tích cho rằng: "Những nhân viên CNTT truyền thống sẽ phản đối ĐTĐM. Hãy thuyết phục những ai có kinh nghiệm phát triển web".
Mặc dù không phải là vấn đề phổ biến, một vài ứng dụng đòi hỏi phải có phần cứng đặc thù. Trong trường hợp này, theo một số chuyên gia phân tích, hãy quên việc chạy ứng dụng với ĐTĐM, và hơn nữa hiệu năng của cơ sở dữ liệu ĐTĐM có thể vẫn còn nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, các CIO vẫn có thể tìm thấy được nhiều ích lợi từ những dịch vụ ĐTĐM, bao gồm khả năng mở rộng hơn, thời gian triển khai nhanh hơn và trung tâm dữ liệu đơn giản hơn. Không có gì phải gấp gáp, nhưng khi chuẩn bị tốt thì bạn có thể ứng dụng công nghệ ĐTĐM.
Nhận xét