Tài dùng người của Hán Cao Tổ - Lưu Bang
Hán Cao Tổ- Lưu Bang xuất thân từ dân thường. Tuy “Trí không bằng Trương Lương, Dũng không bằng Hàn Tín, Tài không bằng Tiêu Hà”, nhưng ông lại giỏi dùng người, biết cách thu hút mọi nhân tài trong thiên hạ.
Dùng người đúng vị trí là điều quan trọng trong quản lí nhân lực (ảnh minh họa) |
Nắm bắt được thời cơ, đình trưởng Lưu Bang đã gây dựng nên nhà Hán và trở thành vị vua đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xuất thân từ dân thường. Cách sử dụng hiền tài của ông vua “áo vải” này có nhiều điểm nổi bật, đi trước thời đại.
1- Đúng người, đúng việc.
Đầu tiên phải hiểu rõ sở trường, sở đoản của nguồn nhân lực hiện có, từ đó mới phân việc phù hợp. Lưu Bang hiểu rất rõ rằng tài năng quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo là làm thế nào để khuyến khích tính tích cực, chủ động trong công việc được giao của những người dưới quyền. Lưu Bang dùng Hàn Tín trong việc điều hành binh lực, Trương Lương làm quân sư, Tiêu Hà lo chuyện hậu cần… và đã phát huy tối đa năng lực của từng người.
2- Không câu nệ nguồn gốc
Lưu Bang có một ưu điểm rất lớn đó là ông không câu nệ trong việc dùng người tài. Những người tài dưới trướng ông xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội (quý tộc: Trương Lương, du sĩ: Trần Bình, huyện sử: Tiêu Hà, phu xe: Lâu Kính, cường đạo: Bành Việt…), nhưng dưới sự chỉ đạo của Lưu Bang họ đều phát huy hết tài năng của mình. Lịch sử đã chứng minh sách lược dùng người của Lưu Bang là rất đúng đắn, khôn ngoan.
3- Bỏ qua hiềm khích
Trong đội ngũ nhân lực của Lưu Bang có rất nhiều người đã từng phục vụ dưới trướng của Hạng Vũ. Lưu Bang vẫn mở rộng vòng tay, không tính toán, hoan nghênh họ gia nhập đội ngũ của mình. Như Hàn Tín vốn dĩ là thuộc hạ của Hạng Vũ, nhưng dưới trướng của Hạng Vũ, Hàn Tín không phát huy được hết tài năng của mình, nên mới qua đầu quân cho Lưu Bang. Thực ra một người lãnh đạo mà lúc nào cũng tính toán thiệt hơn, soi mói… thì không bao giờ chiêu mộ được nhân tài, thậm chí các nhân lực hiện có của họ sớm muộn cũng lần lượt ra đi.
4- Chân thành đối đãi
Đối đãi nhân lực một cách chân thành không chỉ phản ánh tố chất của nhà quản lý mà còn là một nguyên tắc trong quản lý nhân lực. Đối với người tài, ngoài mức thù lao hợp lý, sự tín nhiệm và tôn trọng của lãnh đạo là điều cần thiết. Lưu Bang có được sự trợ giúp tận tâm tận lực của các hiền tài như Hàn Tín, Trương Lương… chủ yếu là nhờ ông luôn tín nhiệm, tôn trọng họ và cũng nhận lại được sự tín nhiệm và tôn trọng của họ. Đây cũng là một kinh nghiệm rất quý báu, đáng để học hỏi.
5- Tin tưởng giao việc cho thuộc hạ
Điều tối kị của một nhà lãnh đạo là luôn nghi ngờ nhân viên của mình: hôm nay nghi ngờ người này, ngày mai nghi ngờ người khác. Lưu Bang có một ưu điểm nổi bật là khi quyết định dùng người nào, ông luôn tin tưởng giao cho người đó được toàn quyền xử lý công việc được giao.
6- Thưởng phạt phân minh
Trong việc sử dụng người tài, ngoài việc tín nhiệm và tôn trọng, phải có chế độ thưởng phạt phân minh. Khen thưởng chính là một sự thừa nhận thiết thực nhất của nhà lãnh đạo đối với cống hiến của thuộc cấp. Sau khi đoạt được thiên hạ, Lưu Bang đã dựa vào công tích của từng cá nhân để ban thưởng. Ngoài việc ban thưởng cho những người có công lớn như Hàn Tín, Trương Lương, Bành Việt, Hán Cao tổ còn ban thưởng cho Ung Xỉ - một người mà ông vẫn có thành kiến.
Khả năng sử dụng hiền tài đã góp phần rất lớn vào thành công trong đại nghiệp lập ra nhà Hán của Lưu Bang. Đây chính là điều mà doanh nhân thời hiện đại có thể học hỏi, rút ra những kinh nghiệm có ích trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Suy cho cùng, vấn đề cốt lõi trong vận hành doanh nghiệp của người lãnh đạo là công tác quản lý, trong đó quan trọng nhất là quản lý nguồn nhân lực.
loading...
Nhận xét