Độc đáo những “tường thành” đá nơi thung lũng Sài Khao
Sài Khao là một trong những bản làng nằm ở vị trí xa xôi, hiểm trở nhất của xứ Thanh. Đến đây, nhiều người còn được chứng kiến một nét văn hóa độc đáo trong việc xây dựng hàng rào bao quanh nhà ở cho đến nương rẫy, khu chăn nuôi gia súc, lối đi...của nhiều hộ gia đình được làm từ đá tự nhiên.
Sài Khao là một bản người Mông, thuộc xã Mường Lý, huyện miền núi biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ ca.
Giờ đây, đến với bản Sài Khao, người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng những hàng rào đá vững chãi, bao quanh nhiều ngôi nhà của các hộ gia đình người Mông.
Để phòng thú dữ, nhiều hộ gia đình người Mông ở Sài Khao đã nghĩ ra cách dựng những “tường thành” bằng đá bao quanh những ngôi nhà của mình...Đây là hàng rào đá của gia đình anh Vàng A Long. Theo anh Long thì toàn bộ số đá làm hàng rào này được lấy từ chân núi, viên đá to thì dùng búa, xà beng đập nhỏ rồi dùng xe chở về, sau đó cả nhà lắp ghép lại với nhau. Gia đình anh huy động 6 nhân công làm trong vòng một tháng thì hoàn thành công trình. Theo anh Long, nếu làm hàng rào tre, gỗ thì nhanh bị hư hỏng, năm nào cũng mất công làm.
Không chỉ phòng tránh thú giữ, để bảo vệ sản xuất, chăn nuôi, gia đình anh Vàng A Tháu còn làm hàng rào đá bảo vệ chuồng trại chăn nuôi và cả nương rẫy...Để dựng được những hàng rào bằng đá như thế này, bà con phải mất hàng tháng trời, thậm chí cả năm trời, tùy thuộc vào độ dài, chiều cao của hàng rào. Có những người dân và du khách khi đến đây, “thử” hàng rào bằng cách dùng sức đẩy mạnh và ngạc nhiên trước sự vững chắc của nó.
Những viên đá thô ráp, gồ ghề, tưởng chừng như vô tri, vô giác đã được bàn tay tài hoa của bà con lựa chọn, sắp xếp lại một cách khéo léo để tạo thành những hàng rào đá liền nhau, cứng cáp, vững chắc.
Bức “tường thành” đá trải dài ngút ngàn giữa thung lũng nơi đại ngàn như một bức tranh về công trình kiến trúc đồ sộ, độc đáo. Để bảo vệ nương lúa, gia đình anh Tháu đã xây dựng một hàng rào đá dài gần 3km bao quanh. Cả gia đình anh lên núi chở đá về làm mất gần ba tháng trời mới xong công trình này.
Nhiều gia đình nơi đây đã dày công và tốn không ít thời gian để chọn lựa, sắp xếp những viên đá liền khối với nhau một cách tự nhiên mà không hề sử dụng bất kỳ chất kết dính nào cho hàng rào đá. Mô hình hàng rào đá của nhiều hộ gia đình người Mông ở Sài Khao giờ đây không chỉ bảo vệ đời sống, sản xuất của bà con, mà nó còn tạo thành một điểm nhấn độc đáo nơi thung lũng Sài Khao.
Đến với thung lũng Sài Khao, người dân và du khách không khỏi tò mò về những hàng rào đá được xây dựng chắc chắn từ hàng trăm, hàng ngàn viên đá lớn, nhỏ khác nhau.
Phần lớn, những hàng rào đá nơi thung lũng Sài Khao có độ rộng phần chân khoảng gần 1 mét, cao gần 2 mét và nhỏ dần về phía trên. “Tác giả” đã khéo léo lựa chọn những viên đá có góc cạnh tự nhiên, phù hợp để chúng có thể tự bám vào nhau, tạo độ vững chãi cho hàng rào.
Những hàng rào đá được nhiều hộ gia đình người Mông nơi đây trân trọng, bảo vệ, giữ gìn như một nét riêng. Lên với Sài Khao, người dân cũng như du khách sẽ được hòa mình giữa khung cảnh của những ngôi nhà người Mông và những hàng rào đá ẩn mình bên những cây mận, cây đào cổ thụ. Và khung cảnh càng nên thơ khi giữa đại ngàn là hình ảnh “con sông đá” uốn lượn, lấp ló trong sương mờ...
Theo http://dantri.com.vn/doi-song/doc-dao-nhung-tuong-thanh-da-noi-thung-lung-sai-khao-20171205085538371.htm
loading...
Nhận xét