Header Ads

BTCClicks.com Banner

Lễ hội vía bà Chúa Xứ - Núi Sam

Miếu Bà Chúa Xứ toạ lạc ở khu danh thắng Núi Sam, tại chân núi thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc. Miếu được lập vào đầu thế kỷ XIV (khoảng 1820 – 1825), khi ấy còn làm bằng tre lá đơn sơ. Qua nhiều lần sửa sang đến năm 1972 Miếu được xây dựng lại qui mô và tráng lệ theo kiểu hình khối tháp, có bốn tầng mái cong lợp ngói ống, tráng men xanh. Nghệ thuật chạm gỗ rất tinh xảo. Toàn khu Miếu Bà là một công trình nghệ thuật tiêu biểu cho sự hài hoà của nền kiến trúc truyền thống, dân tộc và hiện đại.

Vì vậy, miếu đã được Bộ Văn Hoá công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1989.
Tượng Bà Chúa Xứ trước ngự trên đỉnh Núi Sam – nơi còn dấu tích bệ đá sa thạch hình vuông – sau đến đầu thế kỷ XIX dân lành Vĩnh Tế phát hiện được, mới rước xuống núi là lập miếu thờ.
Pho tượng Bà gắn liền với huyền thoại, với nhiều cách giải thích. Nhưng có một truyền thuyết được dân gian truyền tụng từ đời này qua đời khác và được nhiều sách vở ghi chép lại cho đến nay như sau: cách đây gần 200 năm, lúc bấy giờ tượng Bà còn ngự trên đỉnh Núi Sam, bị giặc Xiêm phá hại. Chúng tìm cách khiêng đi nhưng không thể nào xê dịch được. Sau đó, có một bé gái được Bà đạp đồng mách bảo: “ Hãy chọn chín cô gái đồng trinh để đem Bà xuống núi”. Dân làng làm theo và lạ thay pho tượng được chuyển đi dễ dàng. Nhưng khi đến chân núi thì không thể xê dịch được nữa. Từ đó dân làng dựng lên ngôi miếu để thờ. Hôm đó là ngày 25 tháng 4 âm lịch, dân làng lấy ngày này làm ngày lễ vía Bà.
Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam hàng năm thoạt đầu chỉ do dân làng Vĩnh Tế tham gia cúng tế, dần dần lượng du khách từ khắp nơi trong cả nước về đây trẩy hội rất đông, có thể nói đây là một lễ hội dân gian lớn nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Những năm gần đây, tại đây đã thu hút hàng triệu lượt du khách đến chiêm bái và tham quan khu danh thắng.
Phần lễ gồm các nghi thức sau:
- Lễ tắm Bà: Tiến hành lúc 0 giờ đêm 23 rạng 24, thực tế là lau bụi trên thân tượng, thay áo mão cho Bà.
- Lễ thỉnh sắc: Tiến hành lúc 15 giờ chiều ngày 25. Đó là lễ thỉnh “Sắc thần Thoại Ngọc Hầu” cùng bài vị của ông và 2 phu nhân từ lăng Thoại Ngọc Hầu về Miếu bằng đám rước có lộng, cờ, trống, lân.
- Lễ túc yết và xây chầu: Bắt đầu từ lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26. Lễ vật gồm có: một con heo mao huyết, xôi, trái cây, rượu, trầu cau, gạo, muối … và lễ xây chầu được tiến hành ngay sau lễ túc yết và trống mở cửa đoàn hát bộ tấu lên, các tuồng diễn bắt đầu.
- Lễ Chánh tế: Cử hành vào lúc 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4 âl.
- Lễ Hồi Sắc: Diễn ra lúc 15 giờ ngày 27 và kết thúc phần lễ tế.
Song song với phần lễ tại Miếu Bà, các hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí văn hoá nghệ thuật dân gian, thể thao, các dịch vụ cũng diễn ra sôi nổi, hào hứng đó là hình thức hội hè – đã thu hút, hấp dẫn mọi người cùng tham gia và đáo lệ hàng năm.
Lễ hội Vía Bà là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã trở thành thông lệ và có phạm vi qui mô tác động rộng lớn, lan xa, thoả mãn nhu cầu tâm linh, củng cố đức tin trong cuộc sống, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của con người.
Chính vì vậy mà năm 2001, Bộ Văn Hoá Thông Tin & Tổng Cục Du Lịch đã chính thức công nhận lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là lễ hội cấp quốc gia, trở thành một trong 15 lễ hội tiêu biểu của cả nước.